Vùng Pfalz Cách_mạng_Đức_(1848–1849)

Khi cách mạng lại bùng phát vào mùa xuân năm 1849, các cuộc nổi dậy bắt đầu ở Elberfeld thuộc Rheinland ngày 6 tháng 5 năm 1849.[17] Tuy nhiên, chúng nhanh chóng lan rộng sang bang Baden, khi một cuộc bạo động nổ ra ở Karlsruhe.[18] Thành phố Baden và vùng Pfalz (lúc đó là một phần của Vương quốc Bayern) được ngăn cách nhau chỉ bởi sông Rhein. Cuộc nổi dậy ở Baden và vùng Pfalz diễn ra phần lớn dọc thung lũng sông Rhein thuộc biên giới chung của hai bên, và được coi là những khía cạnh của những phong trào tương tự nhau. Tháng 5 năm 1849, Đại Công tước buộc phải rời khỏi Karlsruhe, Baden và cầu cứu nước Phổ.[11] Chính phủ lâm thời được lập ra ở cả vùng Pfalz và Baden. Tình thế Baden tương đối lý tưởng cho chính phủ lâm thời: công chúng và quân đội đều hỗ trợ tích cực việc thay đổi hiến pháp và cải cách chính phủ. Quân đội ủng hộ mạnh mẽ nhu cầu về một bản Hiến pháp;[19] kho vũ khí quốc gia khá đầy đủ, và ngân quỹ đang dồi dào.[20] Vùng Pfalz thì không được như vậy.

Ở vùng Pfalz, thành phần công dân thuộc giai cấp trung lưu chiếm nhiều phần hơn nhiều khu vực khác ở Đức, và họ chống lại sự thay đổi mang tính cách cách mạng.[21] Ở vùng Pfalz, quân đội không ủng hộ cách mạng. Khi chính phủ nổi dậy lấy được vùng Pfalz, họ không thể có được một nhà nước toàn diện và một kho bạc đầy đủ.[22] Vũ khí ở vùng Pfalz bị giới hạn chỉ có súng trường cá nhân, súng thể thao...[23] Chính phủ lâm thời vùng Pfalz cử người đến Pháp và Bỉ mua vũ khí, nhưng không thành công. Pháp cấm bán hàng hoặc xuất khẩu vũ khí cho cả Baden và vùng Pfalz.[20]

Trận Kirchheimbolanden, 14 tháng 6 năm 1849.

Ban đầu chính phủ lâm thời bổ dụng Joseph Martin Reichard, một luật sư, nhà dân chủ và là thành viên của Liên minh Frankfurt, làm người cầm đầu quân đội ở Palatinate.[24] Người chỉ huy trưởng thứ nhất của lực lượng quân đội ở vùng Pfalz là Daniel Fenner von Fenneberg, một sĩ quan Áo, cựu chỉ huy quân bảo vệ quốc gia trong thời kì cách mạng 1848 ở Vienna.[25] Ông ta sớm bị thay thế bởi Felix Raquilliet, một người lính Ba Lan từng tham gia nghĩa quân ở Ba Lan từ 1830 - 1831.[26] Cuối cùng Ludwik Mieroslawski được giao nhiệm vụ làm tổng chỉ huy tối cao các lực lương vũ trang ở vùng Pfalz, và Franz Sznayde được lệnh làm tư lệnh quân đội.[27]

Những cán bộ quân sự khác phục vụ cho chính phủ lâm thời tại thành phố Kaiserlautern, là Friedrich Strasser, Alexander Schimmelpfennig, Thuyền trưởng Rudolph von Manteuffel, Albert Clement, Herr Zychlinski, Friedrich von Beust, Eugen Oswald, Amand Goegg, Gustav von Struve, Otto Julius Bernhard von Corvin-Wiersbitzki, Joseph Moll, Johann Gottfried Kinkel, Đức ông Mersy, Karl Emmermann, Franz Sigel, Thiếu tá Nerlinger, Đại tá Kurz, Friedrich Karl Franz HeckerHermann von Natzmer. Hermann von Natzmer là cựu sĩ quan trong quân đội Phổ được lãnh trọng trách quản lý kho vũ khí ở Berlin. Từ chối xả súng vào lực lượng nổi dậy đang xông vào kho vũ khí ngày 14 tháng 6 năm 1848, Natzmer trở thành người hùng của lực lượng nổi dậy toàn đất Đức.[26] Ông bị kết án tù 15 năm vì tội trên, nhưng năm 1849 ông vượt ngục và bỏ trốn đến vùng Pfalz gia nhập lực lượng nổi dậy. Gustav Adolph Techow, một cựu sĩ quan Phổ, cũng tham dự vào lực lượng vùng Pfalz.[28] Quản lý pháo binh và lo liệu các việc quân nhu là Trung tá Freidrich Anneke. Ông là một thành viên của Liên minh Cộng sản và một trong những người sáng lập Hiệp hội Công nhân Köln năm 1848, biên tập viên của Neue Kölnische Zeitung và đảng viên Dân chủ của hội đồng Quận Rhein.[29]

Phái Dân chủ ở vùng Pfalz và toàn Đức xem cuộc Khởi nghĩa Baden-vùng Pfalz là một phần của các cuộc đấu tranh quy mô lớn trên khắp nước Đức tranh đấu đòi thành lập một Hiến pháp. Franz Sigel, thiếu úy trong quân đội Baden, một nhà dân chủ và là người ủng hộ chính phủ lâm thời, lên kế hoạch bảo vệ phong trào cải cách ở Karlsruhe và vùng Pfalz.[30] Ông đề nghị dùng quân đội Baden tiến vào thị trấn Hohenzollern và tuyên bố thành lập Cộng hòa Hohenzollern, và tiếp theo đó là Stuttgart. Sau khi kích động Stuttgart và bang xung quanh như Württemberg, đội quân này sẽ tiến sang Nürnberg và thiết lập doanh trại ở bang Franken.[30]

Ngọn lửa Ludwigshafen, 15 tháng 6 năm 1849.

Mặc dù có kế hoạch của Sigel, chính phủ nổi loạn mới thành lập lại không cho tấn công. Các cuộc nổi dậy ở Karlsruhe và bang Baden cuối cùng bị đàn áp bởi quân đội Bayern. Lorenz Peter Brentano, một luật sư và nhà dân chủ đến từ Baden, đứng đầu chính phủ đó,[31] nắm quyền hành tuyệt đối.[32] Ông bổ nhiệm Karl Eichfeld làm Bộ trưởng Chiến tranh.[33] Sau đó, Eichfeld bị thay thế bởi Rudolph Mayerhofer. Florian Mördes được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ.[34] Vài thành viên khác của chính phủ lâm thời bao gồm Joseph Fickler, một nhà báo, nhà dân chủ đến từ Baden.[25] Lãnh đạo của lực lượng lập hiến ở Baden bao gồm Karl Blind, Gustav von Struve, cũng là nhà báo, nhà dân chủ Baden.[35] John Phillip Becker được giao trách nhiệm cai quản lực lượng dân quân.[33] Ludwik Mieroslawski, người gốc Ba Lan, người từng tham gia vào các hoạt động quân sự trong thời gian nổ ra cuộc nổi dậy 1830 - 1831 ở Ba Lan, được giao nhiệm phụ phụ trách các hoạt động quân sự của vùng Pfalz bên kia sông Rhein.[36]

Brentano điều khiển những hoạt động hàng ngày trong cuộc nổi dậy ở Baden, và Mieroslawski làm chỉ huy quân sự ở bên kia vùng Pfalz đã không phối hợp tốt với nhau. Ví dụ như, Mieroslawski quyết định bãi bỏ việc thu phí lâu dài trên cầu Mannheim-Ludwigshafen bắt qua sông Rhein. Phí không được thu ở bên vùng Pfalz, nhưng chính phủ Brentano vẫn thu phí ở Baden.[32] Do thiếu sự phối hợp như vậy, Mieroslawski thua trận ở Waghausle và Ubstadt thuộc Baden. Ông và quân đội của ông phải thoái lui về những ngọn núi phía nam Baden, nơi họ chiến đấu trận cuối cùng chống lại quân Phổ ở thị trấn Murg, nằm trên biên giới Baden và Thụy Sĩ.[32] Mieroslawski và những người sống sót khỏi trận chiến trốn thoát qua biên giới đến Thụy Sĩ, rồi sang sống lưu vong ở Paris.

Friedrich Engels tham gia vào cuộc nổi loạn ở Baden và vùng Pfalz. Ngày 10 tháng 5 năm 1848, ông và Karl Marx đi đến Köln, Đức, để theo dõi những động tĩnh trong vùng này. Từ 1 tháng 6 năm 1848, Engels và Marx trở thành biên tập viên của Neue Rheinische Zeitung.[37] Chưa đầy một năm sau, ngày 19 tháng 5 năm 1849, các quan chức Phổ đóng cửa tòa báo vì nó ủng hộ cải cách hiến pháp.

Cuối năm 1848, Marx và Engels có ý gặp Karl Ludwig Johann D'Ester, sau đó phục vụ như một thành viên trong chính phủ lâm thời Baden và vùng Pfalz.[38] Ông ta là một nhà vật lý, nhà dân chủ và mang tư tưởng chủ nghĩa xã hội và là thành viên của Cộng đồng Köln thuộc Liên minh Cộng sản. D'Ester được bầu vào Quốc hội Phổ năm 1848.[39] D'Ester được cử vào Ủy ban Trung ương của Đảng Dân tộc Đức, cùng với ReichenbachHexamer, tại Đại hội Dân chủ lần thứ hai tổ chức ở Berlin từ 26 tháng 10 đến 30 tháng 10 năm 1848.[40] Bởi vì từng có cam kết với chính phủ lâm thời, D'Ester không thể tham dự một cuộc họp quan trọng ở Paris thay mặt Ủy ban Trung ương Đức. Ông muốn giao phó cho Marx nhiệm vụ tham dự cuộc họp trên danh nghĩa của ông. Marx và Engels được gặp D'Ester tại thị trấn Kaiserslautern. Marx nhậm nhiệm vụ và đi đến Paris.[41]

Engels vẫn ở lại vùng Pfalz, nơi mà năm 1849 ông tham gia với người dân thành phố, chuẩn bị chống lại cuộc tấn công sắp tới của quân đội Phổ vào cuộc nổi dậy.[42] Trên đường đến Elberfeld, Engels gặp hai cảnh cướp đạn được hỗ trợ bởi các công nhân Solingen, Đức, khi những công nhân này đã xông vào kho vũ khí tại Gräfrath, Đức.[42] Quân Phổ đã đến và đè bẹp cuộc nổi dậy vào tháng 8, 1849.[43] Engels và một số người khác trốn khỏi Kaiserslautern.[44] Trong khi ở Kaiserslautern vào 13 tháng 6 năm 1849, Engels gia nhập vào một nhóm khoảng 800 công nhân được lập ra như một quân đoàn bởi August Willich, một cựu sĩ quan Phổ. Ông cũng là thành viên của Liên minh Cộng sản và ủng hộ cuộc cách mạng ở Đức.[45] Đội quân mới lập của Willich kết hợp với các nhóm nổi dậy khác lập ra một đội quân 3 vạn người; họ đã chiến đấu chống lại quân đội Phổ vốn được đào tạo bài bản.[46] Engels đã chiến đấu với quân đoàn của Willich trong suốt chiến dịch của họ tại vùng Pfalz.

Quân Phổ đánh bại quân cách mạng, và những người sống sót trong đoàn quân Willich vượt biên trốn sang Thụy Sĩ. Engels không đến Thụy Sĩ cho đến 25 tháng 7 năm 1849. Ông báo tin rằng mình vẫn sống đến Marx và những người bạn và đồng chí ở London, Anh.[44] Khi sang tị nạn ở Thụy Sĩ, Engels bắt đầu viết về những kinh nghiệm ông rút ra từ cuộc cách mạng.[47] Ông xuất bản tờ báo, "The Campaign for the German Imperial Constitution."[48] Do quân đội Phổ dễ dàng đập nát cuộc nổi dậy, nhiều bang ở Nam Đức tin rằng Phổ, chứ không phải Áo, sẽ là một thế lực mới trong khu vực này.[49] Việc đàn áp thành công cuộc nổi dậy ở Baden và vùng Pfalz kết thúc cuộc cách mạng ở Đức bắt đầu từ mùa xuân năm 1848.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cách_mạng_Đức_(1848–1849) http://www.germanheritage.com/essays/1848/the_revo... http://omniatlas.com/maps/europe/18480321/ http://www.zeit.de/zeit-geschichte/2010/03/Text-In... http://www.jstor.org/stable/1877214 http://www.jstor.org/stable/1904890 http://www.jstor.org/stable/2147265 http://www.lwl.org/westfaelische-geschichte/que/no... http://www.wdl.org/en/item/41 https://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb11934731n https://data.bnf.fr/ark:/12148/cb11934731n